Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Không thể không nói

PHẦN I

TÔI BIẾT GÌ VỀ TRUNG QUỐC?

Lâu nay mọi người vẫn nghĩ rằng tôi là một Kiến trúc sư cảnh quan có hiểu chút ít về phong thủy Thăng Long, âu cũng là chuyện bình thường, cho nên những vấn đề gì liên quan đến phong thủy của Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội mở rộng ngày nay thì họ hay hỏi tôi, ngoài ra tôi không biết điều gì khác. Tôi cũng tự nghĩ như vậy, nên không muốn chen vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi không thông thạo như kinh tế, xã hội, đặc biệt là các vấn đề an ninh, chính trị và thời sự quốc tế!

Cách đây vài tháng, khi xây dựng chương mục Địa linh của Chương trình văn hóa 1000 năm Thăng Long, một nhóm nghiên cứu của Ban khoa giáo Đài truyền hình trung ương đến gặp tôi để lấy tài liệu về Địa mạch và Hồn cốt Thăng Long. Giữa chừng câu chuyện, họ hỏi tôi "Chị nghiên cứu đề tài này lâu chưa?" Tôi lưỡng lự giây lát, rồi trả lời họ: "Khoảng chừng đã 55 năm"

– "Cái gì? 55 năm?"

– "Vâng! từ ngày còn là con bé con".

Thế rồi tôi kể cho họ nghe những câu chuyện khiến tôi phải chứng kiến, phải tìm hiểu từ ngày tôi còn nhỏ. Vào đại học, tôi làm đơn thi Bách khoa vô tuyến điện hoặc Tổng hợp Lý toán, nhưng lại bị phân công theo ngành Kiến trúc. Sau này, tôi học phong thủy cho biết để hành nghề kiến trúc sư, càng ngày tôi càng ý thức được đó là cái nghiệp đời người của tôi. Vâng, đúng là nghiệp đời người đặt tôi vào tình huống liên tiếp phải va chạm với những sự thật và tôi không thể không theo đuổi đến cùng sự thật đó. Xin nhắc lại rằng kiến thức của tôi bắt nguồn từ những sự thật, từ những điều mắt thấy tai nghe, không phải từ lý thuyết.

Sự thật và trải nghiệm

Tôi xin mở đầu câu chuyện nghiêm túc này bằng mối "quan hệ" của tôi với vấn đề Trung Quốc mà tôi sắp kể ra, đó là lý do thôi thúc tôi phải đi sâu tìm hiểu bản chất của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa này. Có thể có những nhà nghiên cứu chiến lược lâu năm có cách nhìn khác và chưa công nhận những điều tôi sắp nói, nhưng với trách nhiệm của một công dân, một người con đất Việt, tôi như là một nhân chứng có thể khẳng định rằng ít ai có cơ hội để "hiểu" Trung Quốc hơn tôi. Cho nên, dù đã có thời gian dài tôi tránh nhắc tới những chuyện đó, nhưng càng tránh tôi càng thấy phải nói ra hôm nay để mọi người cùng biết.

Đúng vậy, tôi không chỉ từng có kỷ niệm 5 năm du học ở Thượng Hải, cái thời mọi người hay hát "Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông / Chung một Biển Đông, thắm tình hữu nghị…"; trước đó tôi đã có hai kỷ niệm sâu đậm và rất hãi hùng liên quan đến Trung Quốc.

Kỷ niệm thứ nhất: Cải cách ruộng đất năm 1953

Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm. Vùng quê ngoại Đức Thọ Hà Tĩnh, nơi chúng tôi theo mẹ tản cư về đã hết yên ổn của vùng tự do thời kháng chiến và bắt đầu chịu cảnh máy bay bắn phá. Nhưng, cuộc "bắn phá" tàn khốc hơn lại chính là những cuộc đấu tố địa chủ và Việt gian phản động trong mọi làng xã ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi có tiếng, chuyên nghề xem mạch bốc thuốc và ông tôi đã cứu sống nhiều người nên được dân trong vùng nể trọng gọi bằng thầy. Tiền bạc chắc chẳng có nhiều, nhưng mùa nào thức nấy, trong nhà ông ngoại tôi không bao giờ thiếu của ngon vật lạ do gia đình bệnh nhân mang đến tạ ơn cứu mạng như rổ lạc đầu mùa, cân đỗ xanh, thúng gạo nếp, mớ khoai lang, nải chuối chín, có khi còn có cả con gà sống thiến hay chục trứng tươi… Nhà chỉ có hơn một mẫu ruộng, ông ngoại tôi giao hẳn cho mấy người bà con trong họ trồng cấy và không thu tô, nhưng trong CCRĐ ông tôi vẫn bị quy là địa chủ, mà là địa chủ cường hào.

Mẹ tôi nguyên gốc là cô gái làng dệt lụa Tùng Ảnh ở Đức Thọ, đã theo ông ngoại ra sinh sống ở Hà Nội nhiều năm và có cửa hàng bán tơ lụa ở Hà Nội. Đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, mẹ tôi đã bỏ lại hết nhà cửa và tài sản, đưa chúng tôi tản cư về Đức Thọ Hà Tĩnh, vận động nhiều nữ thanh niên bỏ nghề dệt lụa, xây dựng một nghề mới là xe sợi, nhuộm sợi và đan áo rét cho bộ đội. Cặm cụi làm việc đó, mẹ tôi vừa nuôi sống cho gia đình và bản thân, vừa đóng góp tích cực cho kháng chiến. Tôi còn nhớ bài hát "Áo mùa đông" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào những ngày đó: "Gió bấc heo may / xào xạc rung cây lá lá bay / một mùa đông bao người đan áo…" chính là nói về công việc của mẹ tôi và các chị, các cô trong Hội phụ nữ kháng chiến cứu quốc. Vào những ngày đó, ở vùng tự do nghèo nàn Thanh Nghệ Tĩnh làm gì có len để đan áo, sáng kiến xe sợi bông, nhuộm sợi thành các màu xanh, màu nâu, màu cỏ úa rồi đan thành áo gửi ra chiến trường, đã được ca ngợi như một chiến công lớn.

Nhưng trong CCRĐ thì công cũng thành tội, có một người bạn thân hồi nhỏ của mẹ tôi là Bí thư chi bộ xã đã treo cổ tự tử vì bị truy bức quá, lập tức mẹ tôi bị gán tội là trùm Quốc dân đảng đã giết ông Bí thư đó để bịt đầu mối hoạt động gián điệp và mẹ tôi liền bị lôi ra đấu tố. Cay đắng hơn cả là người được Đội cải cách bôì dưỡng để đứng lên đấu tổ mẹ tôi hăng nhất lại là một bà bạn cũng tản cư từ thành phố về và đã được mẹ tôi đưa vào tổ đan áo binh sĩ.

Cha tôi đang ở vùng ATK của chiến khu Việt Bắc nghe tin đó thì hoảng hốt, vội vào Hà Tĩnh đón chị em tôi lên Việt Bắc để lánh nạn. Vừa đặt chân đến Chợ Chu – Định Hóa – Thái Nguyên thì tôi được nghe câu chuyện họ vừa xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đồng Bẩm huyện Đại Từ. Một vụ xử bắn oan nghiệt đối với một người phụ nữ từng có công lớn mà đến nay mọi người vẫn còn nhớ.

Trong các xó xỉnh của Việt Bắc hôì đó, người ta bàn tán về hoạt động của các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta kinh nghiệm phát động quần chúng đấu tranh giảm tô và đòi ruộng đất về chia cho dân cày mà Việt Bắc và vùng tự do Liên khu 4 được chọn làm điển hình.

Sau này, khi ông ngoại tôi đã mất rồi, đại gia đình có dịp gặp nhau ôn lại chuyện cũ, mọi người đều bảo nhau hãy nén lòng quên nỗi đau buồn đó đi.

Kỷ niệm thứ hai: Trời phạt

Chưa hết hoang mang về chuyện bức hại chém giết lẫn nhau trong CCRĐ, thì chúng tôi được ném vào "Trận đồ bát quái" của tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô.

Liên Xô thì ở tận đẩu tận đâu xa xôi lắm, nhưng Trung Quốc thì ở ngay bên cạnh. Suốt ngày hễ gặp nhau ngoài đường dù chưa quen biết là người ta cũng liền nắm tay nhau hát múa rộn ràng. Hòa bình lập lại, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, thì trên đường phố Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều chuyên gia Trung Quốc. Còn nhỏ xíu nhưng tôi dễ dàng nhận ra họ vì cái áo kiểu Tôn Trung Sơn rộng thùng thình dài đến gần đầu gối, cái quần xanh công nhân cũng rộng thùng thình và cái mũ lưỡi trai bằng vải cũng mầu xanh như vậy. Tòa dinh thự hoành tráng của Hoàng Trọng Phu trước Vườn hoa Canh nông và các biệt thự kế tiếp trên phố Hoàng Diệu và phố Khúc Hạo trở thành Đại sứ quán và khu dành riêng của người Trung Quốc. Mỗi buổi sáng sớm họ đứng kín nửa Vườn hoa Canh nông tập thể dục và hô "I, ơ, xan, xư" ầm vang khu phố Cột Cờ.

Ngày đó gia đình tôi ở gần kề các Đại sứ quán. Là con bé mới học đến cấp 2, tôi không thể hiểu nổi những chuyện đã xẩy ra, nhưng tôi có thói quen ghi nhật ký. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ được những trang nhật ký trẻ thơ ghi tỷ mỷ kỷ niệm về lễ mít tinh ngày 1/1/1955 nhân dân Thủ đô chào đón TW Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc trở về, đặc biệt trong cuốn nhật ký cũ ấy, tôi có ghi lại kỷ niệm về một người con gái Trung Quốc tên là Khương Nãi Tuệ, chị ta được tôi tặng hoa và tặng khăn quàng đỏ trong buổi chiêu đãi Đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ do Chủ tịch UBND thành phố Trần Duy Hưng tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội tối hôm 10/9/1955 và cả câu chuyện chiều hôm sau, ngày 11/9/1955, chị Văn công Khương Nãi Tuệ bị chết trong cơn lốc Hồ Tây, khi chị ta đang đóng vai Sen Chúa trong điệu Múa Hoa Sen, trên chiếc sân khấu ghép tạm cạnh Đầm Trị – Phủ Tây Hồ.

Khương Nãi Tuệ chết, mang theo chiếc khăn quàng đỏ do tôi tặng. Cùng chết trong tai nạn đó còn có nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn và hai người nữa. Mộ của họ mai táng ở nghĩa trang Bất Bạt huyện Ba Vì.

Sau cơn lốc khủng khiếp đó, tôi hay rơi vào tâm trạng ngẩn ngơ vì luyến tiếc chiếc khăn quàng đỏ thì ít mà vì sợ hãi như thể tôi có liên can tới cơn lốc làm lật úp ba chiếc thuyền và hại chết cô nghệ sĩ múa thì nhiều, nên tôi hay đi lang thang nghe ngóng chuyện người lớn. Rất nhiều câu chuyện nhỏ to đập vào tai tôi về một âm mưu yểm huyệt Hồ Tây nhưng bất thành và những người tham gia vào âm mưu đó đã bị Trời phạt. Ngày đó Trung Quốc và Việt Nam thân nhau lắm, nên người ta chỉ dám xầm xì nửa kín nửa hở và một cô bé con như tôi không sao hiểu nổi thứ tình hữu nghị quái gở gì mà "người bạn lớn thân thiết" lại tìm mọi cách làm hại "đứa em tội nghiệp" vừa thoát khỏi chiến tranh chống Pháp và đang rơi vào cuộc chiến tranh chống Mỹ?

Mấy chục năm sau, để giải tỏa tâm lý cho tôi quanh chuyện chiếc khăn quàng đỏ, nhà ngoại cảm Phan Oanh làng Xuân Đỉnh tặng tôi một bài thơ dài, trong đó có mấy câu: "Tâm con trẻ hồn nhiên không xấu / Dấu nhà Trời ai thấu được đâu / Một dải khăn đào kết một cái cầu / Để hồ thẳm nước sâu / Bà là nhịp cầu giữ yên non nước…".

Du học ở Trung Quốc

Tuổi trẻ hồn nhiên với nhiều ham thích đã có lúc cuốn hút tôi, khiến tôi tạm quên đi cảm giác hoang mang lẫn sợ hãi hồi nhỏ.

Năm 1960 tôi tốt nghiệp phổ thông trung học, được miễn thi đại học, tôi được cử đi học ngoại ngữ để sang Trung Quốc theo học ngành kiến trúc. Niềm háo hức khiến tôi và các bạn cùng lứa sung sướng trong cảnh được "ăn cơm Bác Mao", được chăm sóc dạy dỗ ân cần, lúc ốm đau được đầu bếp nấu những món ăn theo ý thích rồi mang đến tận phòng riêng phục vụ tận tình.

Những năm tháng đó, mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần của chúng tôi đều được chăm sóc đặc biệt. Học Kiến trúc thì được học vẽ mỹ thuật trong 3 năm đầu, học kỳ nào chúng tôi cũng được thầy giáo là một hoạ sĩ danh tiếng dẫn đi vẽ dã ngoại ở các khu danh lam thắng cảnh cách Thượng Hải hàng trăm cây số, như các thành phố Hàng Châu, Vô Tích, Tô Châu và ở hẳn đấy vài tuần. Ông họa sĩ già hai bàn tay lấm mầu nhem nhuốc tận tình hướng dẫn chúng tôi cầm bút lông chấm phá các mảng mầu xanh đỏ, còn vợ ông thì đi theo chăm sóc chồng và cần mẫn gọt những trái lê trái táo bê đến từng góc vườn chia cho đám học trò chúng tôi. Ngoài ra, những ngày ở trong trường chúng tôi luôn luôn được hưởng ưu đãi hơn người, riêng tôi vì ham thích âm nhạc nên còn được giữ chìa khoá một căn phòng có chiếc Piano sang trọng để tự do luyện tập. Đó là những thứ mà khi ở nhà với cha mẹ, tôi chưa bao giờ dám mơ tới.

Chưa bao giờ tôi tự đặt cho mình câu hỏi: "Có phải họ đang vỗ béo chúng tôi để sau này về nước chúng tôi sẽ trở thành hạt giống cho họ gieo mầm bành trướng phá hoại đất nước mình hay không?" Chưa bao giờ tôi tự hỏi như thế cả, nhưng trong lòng không thể không gợn lên những thắc mắc vô cớ. Tôi biết Trung Quốc ngày đó còn nghèo lắm, các bạn sinh viên Trung Quốc phải ăn ở chen chúc trong những căn phòng chật chội của ký túc xá, bữa cơm của họ chỉ có chiếc bánh bao không nhân, một bát cháo hoa loãng và vài miếng ca-la-thầu.

Ngược lại tôi và chị bạn gái người Sài Gòn tập kết thì được hai cô bạn người Thượng Hải nữa ở cùng trong một ngôi nhà dành riêng cho giáo viên và trợ giảng. Đó là một tòa nhà 2 tầng có nhiều phòng, chúng tôi ở tầng hai cùng các giáo viên nữ, còn tầng một dành cho giáo viên nam. Đã là giáo viên và trợ giảng đại học, nhưng họ còn rất trẻ và đều chưa có gia đình riêng. Tôi hay lui tới thăm nom họ và ái ngại thấy họ sống rất đạm bạc. Hóa ra họ phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi chúng tôi. Tôi phát hiện biết có một thầy giáo bị bệnh gan và tiểu đường rất cần bồi dưỡng nhưng tiêu chuẩn tem phiếu không đủ cung cấp, thầy luôn luôn bị ngất xỉu, thấy vậy tôi hay đi mua thêm các thức ăn mang đến biếu thầy. Chúng tôi trở thành người thân của các thầy cô giáo. Có những buổi chiều ngày thứ 7, khi 2 cô bạn Thượng Hải đã về nhà, tôi và chị bạn Sài Gòn xuống ghế đá trên vườn hoa ngồi hóng gió, thì các thầy cô giáo lân la đến bên chúng tôi, họ tâm sự, chuyện trò và cho chúng tôi biết rất nhiều chuyện bí mật trong trường và trong xã hội, tôi có cảm giác như đất nước này sắp có đại loạn.

Rồi đại loạn đến thật, cách mạng văn hóa nổ ra, đại đa số học sinh trung học và sinh viên đều bỏ học, xuống đường tham gia Hồng vệ binh. Chúng tôi phải chứng kiến cảnh suốt ngày Hồng vệ binh đi phá phách, hò hét, rạch quần áo, cắt tóc người qua đường và báo chữ to xuất hiện khắp mọi nơi. Thê thảm hơn là chính mắt chúng tôi được chứng kiến các Giáo sư trong trường đã từng giảng dạy chúng tôi tận tình, bị làm nhục ngay trong sân trường bằng cách phải đeo các biểu ngữ bằng giấy báo dán trên lưng hoặc đội những chiếc mũ có chóp nhọn, ghi những dòng chữ tục tĩu.

Là một đứa con gái xuất thân trong một gia đình có nền giáo dục truyền thống ở Việt Nam, tôi không sao chấp nhận nổi thứ triết lý cách mạng cho phép học trò đấu tố thầy, hành hạ và sỉ nhục thầy như vậy. Nhận thức về một nước Trung Hoa có truyền thống văn hóa lâu đời, hơi phong kiến một chút, nhưng rất nề nếp và rất có kỷ cương đã hoàn toàn sụp đổ trong tôi. Đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi phải chứng kiến hiện tượng vô đạo và bất nhân đáng sợ đó. Rất lâu về sau tôi vẫn không thể hàn gắn được vết thương như những nhát chém trong tim mình, về hình ảnh những Giáo sư đáng kính của chúng tôi bị hành hạ lên bờ xuống ruộng bởi chính những người bạn sinh viên đã từng học tập ca hát bên chúng tôi. Trong số đó, tôi biết, có người không muốn hành xử đê tiện như vậy, nhưng nếu họ đi ngược lại phong trào chung, thì chính họ bị lôi ra đấu tố.

Chúng tôi rất sợ bị liên lụy nên nín lặng quan sát và nhìn nhau thầm hỏi: " Họ đang cắn xé nhau, đến bao giờ thì họ cắn mình đây?"

Đó là giữa năm 1966, đúng lúc chúng tôi làm xong đồ án tốt nghệp, trường học gần như không hoạt động, chúng tôi không được bảo vệ luận án tốt nghiệp mà chỉ được cấp bằng có đóng dấu nhưng không có chữ ký. Chúng tôi khăn gói vội vàng rút về nước. Tất cả bạn học và thầy giáo đã bị đưa đi ra khỏi trường, một số đi lao động quản thúc ở vùng nông thôn nào đó, một số khá đông đang là Hồng vệ binh ngày ngày đi đập phá hò hét hoặc đả đảo ai đó. Cảnh Trường đại học Đồng Tế, ngôi trường được xếp loại nhất nhì Trung Quốc, do người Đức thành lập đã gần 100 năm trở nên hoang vắng buồn thảm đến lạnh sống lưng. Giáo sư nổi tiếng Lý Đức Hóa, người từng được nhiều giải thưởng Quốc tế và bà vợ Bác sĩ người Đức của ông không biết đã trôi dạt đi đâu? Lúc chúng tôi lên xe để ra ga về nước, chỉ có mấy ông bà cấp dưỡng từng chăm sóc bữa cơm hàng ngày lặng lẽ gật đầu đưa tiễn chúng tôi, mắt họ rơm rớm lệ.

Đến lúc đó thì tình cảm trong tôi hoàn toàn mất phương hướng và tôi thực sự hiểu rằng người dân lao động Trung Quốc rất tốt, giới trí thức Trung Quốc cũng thật tốt, các bạn học của tôi cũng tốt lắm. Nhưng các nhà cầm quyền? Tôi không sao hiểu nổi các nhà cầm quyền và thứ "tình hữu nghị" mà suốt ngày họ ra rả trên đài phát thanh và trên báo chí. Tôi rất muốn tìm hiểu xem cái gì là động lực thúc đẩy họ? Nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của tôi.

Chúng tôi rời Thượng Hải buồn bã và vội vàng như ma đuổi.

Thời kỳ đã trưởng thành

Chúng tôi về đến nhà đúng vào lúc máy bay Mỹ đang đánh phá Miền Bắc ác liệt. Không khí cả nước có chiến tranh cuốn hút chúng tôi, khiến chúng tôi tạm quên đi những cảm giác khó chịu của những ngày cuối cùng sống trên đất Thượng Hải. Ngày ấy sinh viên từ nước ngoài về vẫn chưa nhiều, nên hôm đầu tiên về nhận công tác ở Bộ Kiến trúc, chúng tôi đã được Bộ trưởng Bùi Quang Tạo đón tiếp ân cần. Bộ trưởng khuyên chúng tôi vứt bỏ lối sống cậu ấm cô chiêu ở nước ngoài và sớm thích nghi với khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" của thanh niên thời chiến.

Sau đó, mỗi người đến nơi sơ tán ở các làng quê theo địa chỉ riêng của từng đơn vị công tác. Viện Quy hoạch đô thị của tôi ở huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên.

Vĩnh Tường của bà Hồ Xuân Hương rất đẹp, nhưng chỉ đẹp ban ngày. Còn đêm đến, khi ngồi tư lự một mình bên ngọn đèn dầu trong nhà dân, những ký ức thời trẻ thơ và những kỷ niệm ở Thượng Hải lại ập về khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm.

Lúc này đã đủ lớn để có những chính kiến của riêng mình, nhưng tôi không thể nói ra với ai. Tôi ở cùng nhà với một chị tốt nghiệp ở thành phố Kiev về, chúng tôi quý nhau và luôn giúp đỡ nhau, còn "Liên Xô xét lại" và "Trung Quốc giáo điều" thì mặc kệ họ, miễn là họ vẫn đang giúp ta những chiếc máy bay Mic bay trên bầu trời và những phong lương khô để chống đói.

Dù sao, 5 năm ở Thượng Hải cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp hơn kỷ niệm xấu, tôi cố tự lý giải rằng sự cố đã xẩy ra là do sự quá đà của một nhóm người hãnh tiến nào đó. Khoảng 10 năm tiếp theo, không thể liên lạc thư từ với bạn học cũ, nhưng tôi theo dõi và nuôi trong lòng chút hy vọng đổi thay của một đất nước đã nuôi tôi ăn học thời sinh viên, ở đó tôi từng có những thầy giáo và bạn học thân thiết. Khi nghe tin ông Đặng Tiểu Bình được phục chức, tôi những tưởng tình hình sẽ khá hơn, nhưng tôi chưa kịp mừng thì liền xẩy ra cuộc tấn công biên giới đầu năm 1979 do ông Đặng Tiểu Bình chỉ huy để "Cho Việt Nam một bài học". Không chỉ có thế, mười năm sau lại thấy cuộc tàn sát đẫm máu nội bộ của Sự kiện Thiên An Môn cũng do Đặng Tiểu Bình chỉ huy, tôi thực sự thất vọng và hiểu rằng những người cầm đầu nhà nước Trung Quốc thời nào cũng vậy, họ chống nhau, phá nhau chỉ vì tranh cướp quyền lực và càng lộ rõ thói cường quyền, tàn bạo kiểu thời Trung cổ của họ mà thôi.

Trung Quốc hôm nay?

Sau 60 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, chẳng tìm hiểu kỹ thì ai cũng biết Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều và rất đáng kính nể. Tuy vậy, khi tôi trở lại thăm trường cũ, thăm thầy giáo và thăm bạn học cũ, thì tôi hiểu: ngoài bộ mặt hào nhoáng đầy khí thế của một Trung Quốc đại nhảy vọt mà họ đang ra sức quảng bá, vẫn còn có một Trung Quốc khác rất âm thầm, u uất và đau đớn của tầng lớp trí thức và những người dân lương thiện ở trên khắp nước Trung Hoa đã từng bị chà đạp, bị sỉ nhục và chịu nhiều đắng cay trong nửa thế kỷ qua. Tầng lớp này không ít đâu, con số có thể đến hàng trăm triệu hoặc hơn và đang sống trên khắp miền của đất nước họ. Chính quyền hiện tại đang áp đảo họ, khiến họ phải câm lặng, nhưng chính quyền không thể thu phục được lòng họ và họ sẽ bùng lên bất cứ lúc nào.

Đến Thượng Hải, tôi thấy Thượng Hải thay đổi rất nhiều. Nhưng khi tôi về thăm trường cũ, đến thăm thầy cô giáo cũ vẫn đang sống trong "Đồng Tế tân thôn" bên cạnh trường và thăm nhà riêng một vài bạn học cũ, tôi thấy một cuộc sống khác hẳn. Họ rất nghèo nàn và thật khắc khổ. Có bạn vừa gặp tôi, liền ôm hai vai tôi và khóc nức nở. Đây không phải vì họ cảm động, vì mừng vui hội ngộ sau nhiều năm xa cách. Họ khóc vì gặp lại chúng tôi là gặp lại nhân chứng của một thời nhục nhã và đáng xấu hổ. Tôi đọc được tình cảm đó khi tôi xem bộ phim truyện "Nghiệp chướng" nói về những éo le và mất mát đeo đẳng suốt đời lớp thanh niên trí thức Thượng Hải, trong đó có rất nhiều người từng là bạn tôi. "Nghiệp chướng" là cái giá rất đắt mà những người cầm đầu đất nước này đã gây ra cho bao gia gia đình trí thức để rồi đến lúc họ sẽ phải trả. Một người bạn tôi nói vơí tôi: "Tôi từng là Hồng vệ binh và đang là nạn nhân của Hồng vệ binh suốt đời. Đó là lũ con tôi, cháu tôi hôm nay".

Có trong tay cuốn địa chỉ và số điện thoại của bạn cũ ở khắp nơi, chúng tôi đã dành ra gần 2 tháng đi thăm bạn và để quan sát sự thay đổi của nước Trung Hoa. Nhưng khắp Trung Quốc hôm nay, ngoài những người rất câm lặng, rất đau khổ như tôi vừa nói, còn lớp người Trung Quốc thứ ba đang vừa là chỗ dựa vừa là gánh nặng uy hiếp Nhà nước Trung quốc: Bọn này đông lắm. Đó là lũ lưu manh mạnh vì gạo bạo vì tiền. Đáng tiếc, các vị trong chính quyền Nhà nước Trung Hoa đã từng có thói quen dùng bọn lưu manh này làm "chỗ dựa" để đối phó với các lực lượng thù địch, nhưng khi không cần nữa hoặc không sử dụng được nữa thì họ tiêu diệt "chỗ dựa" đó đi.

Tôi nhớ lại ngày chúng tôi chuẩn bị về nước năm 1966, bà Giang Thanh nổi lên oai phong y như Võ Tắc Thiên ngày xưa, cạnh bà có 3 kẻ thân cận là Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều, tạo thành một "Bộ tứ trụ" điều khiển gần một tỷ dân. Nhưng thời nay còn có rất nhiều người cao thủ hơn bè lũ bốn tên thời đó. Thời nay có các băng đảng lưu manh kết hợp với công an và chính quyền hình thành hệ thống Mafia ở khắp mọi nơi. Sự kiện triệt phá Mafia ở thành phố Trùng Khánh vừa qua là một thí dụ. Không thể tin được trong một đô thị hiện đại của một quốc gia hùng mạnh mà bọn lưu manh côn đồ bị truy bắt trong một đợt đã lên đến ngót 2000 tên, trong số đó có cả Giám đốc Sở Tư pháp và nhiều sĩ quan công an.

Cuôí cùng, có thể quan sát "Trung Quốc hùng cường hôm nay" bằng cách quan sát những người Trung Quốc đang xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều với vai trò lao động chui. Những người này có thể vì đói khát quá hoặc vì đã là tội phạm bị giam cầm lâu quá, nay được đưa sang đây để sống cuộc đời phá phách, trộm cắp, lừa đảo và để tìm cách lấy vợ sinh con và sẽ là lực lượng nằm vùng nội ứng cho các cuộc tấn công của quân chính quy sau này.

Lũ người này có đáng sợ không? Làm cách nào để dẹp chúng? Thiết nghĩ mọi người đều hiểu.

PHẦN II

TÔI HIỂU GÌ VỀ TRUNG QUỐC?

Sau khi đã biết quá rõ mục tiêu truyền kiếp của nhà cầm quyền Trung Hoa suốt mấy ngàn năm là trấn áp nội bộ, tranh chấp quyền lực và chiếm bằng được đất nước ta, tôi quyết định xin về hưu từ năm 1992 với nhiều lý do riêng, một lý do trong đó là muốn tập trung thời gian vào nghiên cứu các lý thuyết về phong thủy địa mạch, thứ lý thuyết mà từ năm 1955 tôi đã "không may" bị tận mắt chứng kiến.

Chúng ta phải cám ơn các nhà truyền giáo Phương Tây, đặc biệt là các giáo sĩ Bồ Đào Nha có công đầu về việc sử dụng chữ gốc La-tinh để phiên âm tiếng Việt trong việc truyền đạo vào nước ta ở thế kỷ XVI-XVII như Francisco de Pina, đến người biên soạn cuốn từ điển Việt-Bồ-La đầu tiên là Alexandre de Rhodes (1651) và nhất là người có công hoàn chỉnh chữ quốc ngữ ở thế kỷ XIX để trở thành chữ viết chính thống của nước ta đầu thế kỷ XX là Bá Đa Lộc – Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine. Cám ơn các vị Giáo sĩ đã góp phần giúp ta thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa nô dịch Trung Hoa. Nhưng đây cũng là một sơ hở khiến lớp trí thức trưởng thành trong thế kỷ XX đã lãng quên một số cơ sở quan trọng của khoa học Phương Đông, trong đó có Phong thủy, Địa mạch và Kinh Dịch.

Sau 17 năm nghỉ việc ở Bộ Xây dựng, tôi đã cố bù lại những lỗ hổng mà lớp trí thức ở lứa tuổi của tôi đã mắc phải. Lúc này tôi đã có nhiều thời gian để hiểu rõ trong cấu trúc phong thủy địa mạch của nước ta có một thứ mà nhà cầm quyền Trung Quốc rất thèm muốn. Họ thèm muốn vì họ không có và họ hiểu rằng làm chủ được cái đó là họ chiếm được nước ta và chiếm được nước ta là họ làm chủ được cả thế giới. Tôi nói nhà cầm quyền thèm muốn chứ không phải nhân dân, bởi vì thực hiện mộng bá quyền, người dân lương thiện Trung Quốc không hề được hưởng lợi.

Hệ Địa mạch nước Trung Hoa: Chiếc bánh sandwich

Một đất nước rộng lớn mà các lớp đất, đá, núi, sông… chồng xếp thành từng lớp như cái bánh sandwich

que-chan.jpg
Nước Trung Hoa hình quẻ chấn

Theo phân tích và tổng kết hệ thống đã công bố tháng 5/2005 của KTS Lý Thái Sơn, thì đó là một thứ liên kết rời rạc của hệ Tam đại càn long sẽ bị trôi tuột đi bất cứ lúc nào, đó là một nước Trung Hoa có các khu vực Bắc Hoàng Hà, khu kẹp giữa Hoàng Hà và Trường Giang, khu Nam Trường Giang, tạo thành một quẻ Chấn gồm hào một liền và hào hai gãy, hào ba gãy có nghĩa là sấm sét, không ổn định, dễ vỡ tung; cũng như khu Đông và khu Tây là hai vệt thẳng đứng, không có mối quan hệ về kinh tế, phong tục tập quán, sắc tộc và có thể tách ra thành 4 hoặc 5 quốc gia độc lập.

Mặt khác, ngay cả đến dân tộc Đại Hán cũng là kết quả của một quá trình chiến tranh và đồng hóa lẫn nhau, vì người Hán nguyên gốc rất ít, nhưng người ta có chính sách cưỡng chế người dân tộc khác biến thành người Hán, nên họ bị phản đối và ở nước Trung Hoa chưa bao giờ hết nội chiến. Ở Trung Hoa không có hai chữ "ĐỒNG BÀO" và trên đất nước này không có cụm từ sức mạnh đoàn kết toàn dân. Hiện nay không chỉ Đài Loan là quốc gia độc lập mà Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, Ma Cao… đang như các quốc gia bị Bắc Kinh đô hộ. Nếu tách được ra thì các quốc gia đó sẽ giàu có và trù phú hơn nhiều. Còn Bắc Kinh thì luôn phải dùng biện pháp đàn áp. Họ đàn áp ở ngay giữa Thủ đô như sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đàn áp dã man các vùng xa xôi như Tây Tạng, Tân Cương trong năm 2008 và 2009.

Tuy vậy, các thế hệ cầm quyền Trung Hoa từ thời cổ đến nay đều đã nghiên cứu kỹ phong thủy địa mạch và họ ý thức được rằng có một cách vãn hồi được điểm yếu cấu trúc trượt của chiếc bánh sandwich là phải làm chủ đường kinh mạch lợi hại đi từ đỉnh Everest cao gần 9000m của dãy Hymalaya qua cao Tây Tạng, qua nguyên Vân Nam, qua đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, xuống vịnh Hạ Long rôì đi đến đáy đại dương sâu nhất thế giới gần 11Km ở vịnh Mindanao Philippin. Đó cũng là mạch đất độc đáo nối từ "Cổng Trời" đầy thiên khí đến "Địa Huyệt" đầy của cải có độ cao chênh nhau ngót 20Km và là đường kinh mạch quan trọng nhất thế giới. Nếu họ làm chủ được đường kinh mạch này thì không những họ có gọng kìm xiết chặt chiếc bánh sandwich đó, không cho nó trôi trượt đi, mà họ còn có thể mau chóng làm chủ cả thế giới. Bởi vậy, lúc này họ đang cố sức "củng cố nơi họ đã là chủ và chiếm thêm nơi họ chưa chiếm được" để thực hiện ước nguyện bá chủ toàn cầu.

* Sau hàng ngàn năm với nhiều thủ đoạn, cao nguyên Vân Nam rộng 390.000Km2 có 26 dân tộc đến nay đã bị họ khống chế hoàn toàn, người dân tộc Di, dân tộc Choang mỗi ngày một ít, người Hán đã di cư về đây trên 20 triệu và thành phố Côn Minh hiện đại hơn ba triệu dân ngày nay là thành phố của người Hán (người Hán thật thì ít, người Hán mới bị đồng hóa thì nhiều).

* Ngược lại, khu tự trị Tây Tạng, nóc nhà của thế giới và là Thủ đô của Đạo Phật, vốn là một quốc gia độc lập văn minh, đã bị chính thức lệ thuộc vào Trung Hoa từ năm 1914 đến nay. Thật xấu hổ và nhục nhã cho một chính thể, một Nhà nước suốt ngày hô hào "đoàn kết các dân tộc" lại đang đàn áp và hủy diệt người Tây Tạng, đập phá chùa chiền đến mức người đại diện cho Đạo Phật và là linh hồn của dân tộc Tạng là Đức Đa Lai Lạt Ma phải đi lưu vong, việc đó đã khiến Ấn Độ và các quốc gia Tây Á không thể làm ngơ và đang ở bên dân tộc Tạng. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước Trung Quốc sẽ không thể đạt được cái họ muốn (Tây Tạng).

Cung-điện-taytang-potola.jpg
Cung điện Tây Tạng Potola

Còn ở Việt Nam chúng ta? Lịch sử bốn ngàn năm của nước ta là lịch sử chống ngoại xâm. "Ngoại xâm" đây là chỉ giặc Phương Bắc, bởi vì Phương Đông, Phương Tây và Phương Nam gần như không có. Hơn hai ngàn năm qua thì giặc ngoại xâm đã bị chỉ đích danh những những nhân vật cụ thể như Triệu Đà, Mã Viện, Cao Biền… Bởi thế ta rất cần biết tại sao họ quyết chiếm nước ta và tại sao họ không thể chiếm nổi?


Địa mạch Việt Nam: Khúc quan trọng trong địa mạch toàn cầu

Trong quá trình địa kiến tạo vỏ trái đất, có những nếp gấp lớn tạo ra dãy núi cao đóng vai trò đường kinh mạch trọng yếu xuyên qua nhiều quốc gia như phần trên đã phân tích. Sau Tây Tạng, Vân Nam, thì đồng bằng Bắc Bộ nước ta là phần rất quan trọng của mạch đất này (đọc Đại địa mạch quốc gia). Dãy Hymalaya chạy vòng vèo như hình con rồng lớn, đoạn đến nước ta là dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Xi Pan cao 3143m, đến Việt Trì mạch đất lặn xuống, tỏa ra và qua sông Đà lại xuất hiện cụm Ba Vì cao 1226m, điểm nhấn của THĂNG LONG NÚI CHẦU SÔNG TỤ. Trước khi Vua Lý Thái Tổ chọn nơi này dựng Kinh đô Thăng Long thì người Trung Hoa đã dòm ngó vùng đất kỳ bí này và Cao Biền tấu thư kiểu tự là một trong những kết quả tìm kiếm công phu nhất. Theo báo cáo của Cao Biền, một người tài giỏi gốc Mãn Châu thì vùng đất nhỏ bé này tụ hội rất nhiều linh khí đất trời và sản sinh ra nhiều hiền tài, ông ta tìm thấy 632 huyệt chính, huyệt phát đế và 1617 huyệt bàng, huyệt phát quan, nên một mặt ông ta theo lệnh vua Đường Y Tông yểm phá các báu huyệt để tiêu diệt hiền tài của nước ta, mặt khác ông ta hiểu giá trị của vùng đất này, nên đã xây thành Đại La, mưu đồ thực hiện mộng bá vương và đã bị vua Đường trị tội. Âm mưu yểm huyệt Thăng Long chưa bao giờ ngơi nghỉ trong đầu các nhà cầm quyền Trung Hoa và hành động thô bạo ngày 11/9/1955 mà tôi vô tình chứng kiến có làm cho họ thận trọng hơn.

Hiện nay họ biết không thể ngang nhiên đổ bộ vào Thủ đô, họ đi vòng vèo từ phía Tây qua Lào, qua Cam pu chia và họ đang chiếm Bauxite Tây nguyên, còn tại Trung tâm Thủ đô, họ đang nhờ bàn tay nào phá Thủ đô của ta? Tinh ý, chúng ta sẽ biết.

Địa mạch Việt Nam: Vùng Biển Đông, yết hầu của Đông Nam Á

Không phải ngẫu nhiên vô cớ mà trên vịnh Bắc Bộ rộng lớn của chúng ta còn có vịnh Hạ Long bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, ngay sát Cảng Vân Đồn lại có vịnh Bái Tử Long, và ngoài khơi xa của Hải Phòng có đảo Bạch Long Vĩ, ngoài ra còn có nhiều đảo có tên liên quan đến Rồng như Hòn Rồng, Long Châu, thôn Cái Rồng…, cái tên Long liên quan đến phần đuôi của con Rồng lớn xòe ra ở đồng bằng Bắc Bộ, đi xuống nước ở Cảng Vân Đồn và kết thúc ở đáy Đại dương thuộc vịnh Mindanao thuộc Philippin. Có lẽ đây cũng chính là cái chốt trọng yếu khiến Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh và ngang nhiên công bố đường lưỡi bò chín đoạn trên Biển Đông vào tháng 5/2009, vi phạm trực tiếp đến 5 quốc gia Đông Nam Á và nền an ninh cả thế giới. Đây là sản phẩm kế thừa của chính quyền Quốc dân Đảng từ năm 1947, điều đó cũng cho thấy thời nào cũng vậy, mưu đồ bá quyền của chính quyền nhà nước Trung Quốc không thay đổi. Chắc hẳn lúc này không chỉ các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia và Malaysia ý thức được đường lưỡi bò này vi phạm đến chủ quyền của mình, mà gần như cả thế giới đã nhận ra mưu đồ chiếm cứ con Rồng lớn nhất thế giới của nhà nước Trung Hoa, bởi vì chiếm cứ được cái yết hầu này là họ chiếm được cả Châu Á và một khi chiếm được Châu Á rồi thì bước đi tiếp sẽ ra sao? Thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước Châu Âu có để cho họ làm điều đó không ?

Địa mạch Việt Nam: Cấu trúc Âm Dương hoàn chỉnh

Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi đầu tiên của Nhà nước Văn Lang, nhưng hình chữ S của Con Rồng đất nước Việt Nam ngày nay đã tạo nên một thế cân bằng Âm Dương rất hoàn chỉnh. Như sự ví von của nhà thơ Xuân Diệu, thì Đất nước ta như một con tàu / Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau.

NuicháuongtuTL.jpg
Núi chầu sông tụ Thăng Long theo hình thế Âm Dương

Điều đó cho thấy từ mấy ngàn năm trước cái nôi đồng Bằng Bắc Bộ đã vững như bàn thạch, từ thế kỷ XVI trở lại đây, khi đất nước đã phát triển xuống phía Nam thì con thuyền đất nước đã đủ tư cách rẽ sóng ra khơi và điều đó cũng cho thấy đã là con thuyền thì các phần mũi thuyền, thân thuyền và đuôi thuyền không thể tách rời nhau. Bởi vậy hơn lúc nào hết, chúng ta cần ý thức được sự sống còn của vận mệnh đất nước, để xác định thái độ và hành động của mình.

LỜI CUỐI BÀI

Để kết thúc bài viết, tôi muốn quay lại những dòng mở đầu, rằng tôi không có chút năng khiếu nào trong những vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh chính trị, nhưng do nghề nghiệp và do số phận, tôi đã có dịp hiểu rất sâu vào cốt lõi của vấn đề kinh tế và chính trị trong mối quan hệ vơí Trung Quốc hiện nay. Bởi vậy tôi muốn khuyên tất cả mọi người, nhất là các vị sinh ra sau tôi và chưa có dịp trải nghiệm như tôi, là hãy tỉnh táo để thoát ra khỏi cõi u mê của sự hoang tưởng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cha ông ta đã trải qua hàng ngàn năm mới đưa ra được lời dạy bảo và bản thân tôi phải trải qua hơn 55 năm để chiêm nghiệm và thấm nhuần lời dạy bảo của cha ông.

Tôi biết, lúc này đã có rất nhiều người suy nghĩ như tôi hoặc sâu sắc hơn tôi, nhưng vẫn còn khá đông người đang lầm lẫn và ảo tưởng, không ít người còn rất sợ vía người bạn lớn vĩ đại Trung Hoa, tôi không trách họ vì đôi lúc chính tôi cũng tin ở họ và nể sợ họ lắm. Nhưng xin mọi người hãy bình tâm và suy ngẫm xem cái gì tạo nên sức mạnh của họ và cái gì đang giết chết sức mạnh đó?

Đông dân là một sức mạnh

Đúng vậy, ngày tôi đang học ở Thượng Hải thì Trung Quốc mới xây xong cầu Trường Giang, họ rất tự hào nói rằng, chỉ cần toàn dân Trung Hoa, mỗi người tiết kiệm một cái bánh bao là đủ xây một cái cầu Trường Giang. Đó là một việc làm tốt.

Trong thế vận hôị 2008 ở Bắc Kinh, họ xây dựng Sân vận động Tổ Chim độc đáo hết 432 triệu USD, nếu chia cho 1,3 tỷ dân thì họ phải cắt xén của mỗi người 0,32 USD, việc đó có vẻ cũng vẫn tốt.

Hiện nay họ đang làm nhiều việc ghê gớm hơn như xây dựng đại hàng không mẫu hạm trên Biển Đông và các căn cứ hải quân… tôi nghĩ họ cũng sẽ làm được đủ để dọa nạt chúng ta và các nước trong vùng.

mô-hình-hàng-không-mẫu-hạm-ở-vũ-hán-ship2.jpg
Mô hình hàng không mẫu hạm ở vũ Hán

Có điều, một thảm họa đông dân mà Nhà nước không vì dân thì Nhà nước sẽ khốn đốn. Có ai biết rằng trên đất nước Trung Hoa vĩ đại đang có 200 triệu người sống lang thang không nhà cửa và đặc biệt hệ thống băng đảng Mafia ở hầu hết các thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải, Quảng Châu… đang chia cắt quyền lực của đất nước họ hay không? Việc tầy trời này thiết nghĩ cũng không cần nhiều lời và chính là việc của các nhà chiến lược.


Vậy thì mọi nỗ lực của họ có thể có một kết thúc có hậu hay không?

Trần Thanh Vân

Vụ Securency và lý tưởng chống tham nhũng

Lê Minh

viết cho BBCVietnamese.com từ Sydney

Việc cảnh sát Liên Bang Úc (AFP) mở điều tra về cáo giác cho rằng công ty Securency hối lộ để thắng thầu in tiền polymer cho Việt Nam đã bộc lộ một loạt các rắc rối trong thương mại, luật pháp và quan hệ chính phủ.

Cho đến ngày có ai đó hầu toà ở Úc, Việt Nam hay nơi khác, các diễn biến của vụ việc vẫn sẽ nặng tính phỏng đoán và giữ thể diện, với số lượng câu hỏi sẽ nhiều hơn câu trả lời.

Bài này trình bày một số phản biện và phân tích mang tính bối cảnh hầu giúp người đọc phán đoán về hướng phát triển của vụ bê bối này.

Nhập gia tùy "tục"

Điều tôi tạm gọi ở đây, "văn hóa tham nhũng," có lẽ xưa như trái đất .

Website của Securency

Vụ Securency làm nổi bật nhiều rắc rối

Ở các xã hội "duy tình cảm " và nặng tính gia đình như Trung Quốc, Việt Nam, hay rất nhiều nơi khác ở Á Châu, nơi thương lái châu Âu và Úc tới làm ăn, họ mong những gì? Họ mong có bạn hàng trường vốn, quan hệ rộng, quyền lực mạnh và ổn định.

Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà xã hội dân sự theo chuẩn Phương Tây (civil society) và tầng lớp trung lưu (middle class) hiện chỉ trong giai đoạn phôi thai (và có thể mãi mãi chỉ phôi thai?), những yếu tố đó thường hội tụ ở các công ty của độc quyền nhà nước và chính phủ.

Cung cách làm ăn với phương Tây ở Việt Nam hiện tại có thể được coi là sự lặp lại của của hiện tượng kinh tế duyên hải ở Thượng Hải, Quảng Châu rồi Quảng Tây với việc hình thành nhanh chóng các "gương" thành công của các công ty "red chips" dùng vốn của Bắc Kinh (hoặc được Bắc Kinh cho phép dùng nguồn vốn khác.)

Và trước đó nữa, ở Đông Nam Á, là những "gương" làm ăn mang đầy tính gia đình, lạm dụng quyền lực, thông đồng chính phủ và kéo bầy cánh của các tổ hợp gia đình-chính phủ như Suharto, Marcos hay các loại tướng lĩnh ở Thái Lan.

Trong một bối cảnh như vậy, nếu bị chứng minh là tham nhũng, thì hiện tượng Securency với Việt Nam hình như cũng không khó hiểu.

Một số phản biện

Vào thời điểm 2002, khi đàm phán cho chuyện in tiền polymer cho Việt Nam, nếu nước Úc không làm ăn với Thống đốc Lê Đức Thuý, thì làm ăn với ai?

Ông Thúy có người con là Lê Đức Minh, mà ông Minh không nối nghiệp cha trong ngành ngân hàng thì nối nghiệp ai?

Chính sách gửi gắm con cái đã và đang tiếp tục ăn sâu trong hoạt động của các ngành, các bộ, các cơ quan chính phủ và dân sự hành chính cũng như sự nghiệp từ cao nhất xuống tới tầng thấp nhất ở Việt Nam.

Vậy liệu có gì lạ khi người ta thấy Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD), của ông Lương Ngọc Anh có thời tuyển dụng ông Lê Đức Minh?

Ông Lương Ngọc Anh vốn là du học sinh ở Đại Học Monash, lại được tuyển vào làm trong Securency, am hiểu về văn hoá Việt và Úc, có tầm nhìn cả Đông lẫn Tây, phải chăng là lợi thế kinh doanh?

Khi nhận ông vào làm việc ở Securency người ta có kiểm tra tư cách an ninh của ông không?

Việc ông Anh có dính dáng đến bộ Công An ở Việt Nam hay không thì đã làm sao? Trực tiếp hay gián tiếp? Ai sẽ đứng ra chứng minh được điều đó?

Mà nếu chuyện tiền là có thật, thì liệu nó có liên quan gì đến hợp đồng in tiền? Người ta dùng tiền đặng mua cái gì khác thì sao?

Việc quan hệ chính phủ với chính phủ thường nằm ở tầng khác, vĩ mô hơn.

Công lý ở Úc

Một viên chức đã lăn lộn nhiều năm trong một cơ quan xúc tiến xuất khẩu của chính phủ Úc đã nhận xét : " Sao mà dân Úc họ lý tưởng hoá đến thế? Đòi chống tham nhũng?"

Ngay khi báo chí của tập đoàn truyền thông tư nhân Fairfax báo động vụ Securency, Ngân Hàng Dự Trữ của Úc (RBA) chuyển vụ việc sang cho Cảnh Sát Liên Bang (AFP) điều tra.

AFP lập tức lập hồ sơ, cắt cử nhân viên và liên hệ đến tất cả các bộ và cơ quan chính phủ để lên danh sách thẩm vấn tìm chứng cớ.

Ông Lương Ngọc Anh trong một bài báo

Giám đốc công ty CFTD được nhắc tới nhiều trong vụ Securency

AFP là cơ quan công quyền với toàn bộ nhân viên được thẩm tra kỹ càng về lòng trung thành với công lý, hành vi của họ được giám sát thường xuyên, và hoạt động của họ hoàn toàn độc lập, không khuất phục trước sức ép nào thậm chí từ nhà cầm quyền.

Những hạn chế đối với AFP là vấn đề ngân sách, thiếu thốn nhân lực. Ngoài ra, một điều đáng nhớ là AFP chỉ có chức năng điều tra tìm bằng chứng; những kết quả điều tra sẽ được chuyển sang cho toà án.

Ngoài AFP, người Úc còn có Ủy Ban Độc Lập Chống Tham Nhũng (ICAC). Ủy ban này hoàn toàn độc lập với tất cả các phe phái chính trị và hành pháp và lập pháp. Những báo cáo của ICAC đã từng khiến hàng loạt các viên chức cao cấp trong cảnh sát Úc rơi khỏi ghế và ra toà chịu án hình sự.

Động chạm đến vấn đề chuyển tiền và giám sát hoạt động tài chính, nước Úc còn có Ủy ban về Chứng Khoán và Đầu Tư (ASIC) và các hãng kiểm toán chuyên nghiệp đầy kinh nghiệm. Khi được lệnh, ủy ban này có thể giao các nhà kiểm toán tìm hiểu về mục đích, nhân sự và khách hàng cùng các bên hữu quan với các hoạt động chuyển tiền từ được cáo giác giữa Securency từ Úc sang Thụy Sĩ.

Theo luật, những nhân viên điều tra có thể xin lệnh tòa để kiểm tra sổ sách và tài sản của các công ty và đối tượng hữu quan.

Ngoài ra còn những người như các phóng viên Richard Baker và Nick McKenzie - vũ khí của họ là đạo luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act) - và trên hết, lương tâm làm báo và tính độc lập của truyền thông Úc.

Đó là những công cụ điển hình trong việc phấn đấu cho sự trong sạch và "lý tưởng" Úc kể trên.

Xung đột quyền lợi?

Tuy vậy, một chi tiết rất đáng chú ý liên quan tới Securency đó là sự bổ nhiệm gần đây của ông Roger Corbett vào chức Chủ Tịch của Tập Đoàn Truyền Thông Fairfax.

Tập đoàn Fairfax Media là chủ của hai tờ The AgeSydney Morning Herald, hai tờ báo tư nhân đã phanh phu ra những cáo giác tham nhũng liên quan tới Securency và Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói ở đây là ông ta cũng là thành viên của Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng Dự Trữ Úc (RBA).

RBA nắm khoảng 50 phần trăm vốn của Securency, công ty đang bị rọi đèn trực tiếp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ông Roger Corbett có ở vào vị trí "vừa đá bóng vừa thổi còi" ?

Một câu hỏi thô thiển nhưng cũng nên đặt ra, là khi ông Roger Corbett vào quản trị Fairfax, thì hai phóng viên Richard Baker và Nick McKenzie của báo The Age có hệ lụy gì không? Công việc điều tra và tư cách phóng viên của họ liệu có bị lái chệch sang hướng khác không?

Một khía cạnh khác liên quan đến cuộc điều tra hiện nay ở Úc có cần sự hợp tác từ phía Việt Nam. Nếu có thì sẽ mang hình thức và mức độ ra sao? Và trong cơ chế nào thì sự hợp tác như vậy sẽ không bị chệch đường hay "hữu nghị hóa"?

Tiền lệ?

Vụ Securency khiến người viết nghĩ nhiều về vụ bê bối của Hội Đồng Luá Mì Úc (AWB), diễn ra từ năm 2001. Xin nhắc lại một số điểm chính.

Vào tháng Hai 2006, báo chí Úc đồng loạt cáo giác rằng để thắng thầu hợp đồng cung cấp lúc mỳ cho Iraq trong khuôn khổ chương trình Đổi Thực Phẩm Lấy Dầu, AWB đã gián tiếp "lại quả" cho chế độ Saddam Hussein khoảng 290 triệu đôla Úc.

Một khía cạnh khác liên quan đến cuộc điều tra hiện nay ở Úc có cần sự hợp tác từ phía Việt Nam. Nếu có thì sẽ mang hình thức và mức độ ra sao? Và trong cơ chế nào thì sự hợp tác như vậy sẽ không bị chệch đường hay "hữu nghị hóa"?

Sự việc này đã được Liên Hiệp Quốc cảnh tỉnh từ năm 2001, được giới tình báo nước ngoài và Úc lập hồ sơ và báo cáo cho chính phủ Úc trong nhiều năm.

Cáo giác lúc đó rộ lên chuyện AWB chuyển trả cho công ty vận tải Alia của Jordan 300 triệu đôla công "vận chuyển" . Công ty này giữ lại một phần nhỏ rồi chuyển hầu như toàn bộ số tiền sang cho chính phủ của Saddam Hussein, lúc đó đang lâm chiến với Úc và phương Tây.

Tại Úc, vụ AWB bị công luận bàn thảo và phản biện rôm rả. Năm 2006, các điều tra viên tham gia ủy ban độc lập mang tên Cole (do Terence Cole, QC, cựu chánh án tòa Thượng Thẩm Sydney, đứng đầu) đã thẩm vấn một loạt các nhân viên Hội Đồng Quản Trị của ba công ty trực thuộc AWB, nhưng không thấy hội đủ các bằng chứng cấu thành tội phạm.

Khi xét hỏi các cựu giám đốc của AWB, các nhân viên điều tra gặp phải một loạt các hiện tượng bệnh lý và khó khăn như: mất trí nhớ, nhớ nhầm, nhìn nhầm, muốn tìm lại tài liệu mà không được, hay mất mát giấy tờ.

Cuộc điều tra Cole cũng buộc Thủ Tướng Úc lúc đó là John Howard, Ngoại Trưởng Alexander Downer và Bộ Trưởng Thương Mại Mark Vaile phải có những tuyên bố vô can.

Sau cùng, các nhà điều tra khẳng định AWB quả đã chuyển tiền cho chế độ Hussein ở Iraq và vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều đó chưa đến mức thành án hình sự.

Sau cùng nữa, ngày 28/8/2009 vừa qua người đứng đầu Cảnh Sát Liên Bang Úc Mick Keelty tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc điều tra về Hội Đồng Lúa Mì Úc (AWB) do "một loạt các yếu tố".Ông nói tiếp tục điều tra sẽ "không mang lại lợi ích gì cho xã hội."

Vài ngày sau đó, cảnh sát trưởng Mick Keelty từ nhiệm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/11/091109_securency.shtml

Cảnh sát Úc bố ráp Securency

Securency in tiền polymer cho Việt Nam

Cảnh sát Liên bang Úc đã lục soát nhà của các giám đốc của công ty thuộc Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) trong cuộc điều tra hối lộ quốc tế.

Hôm thứ Năm cảnh sát có trát xét nhà của giám đốc điều hành Securency ở Mont Albert North của ông Myles Curtis và nhà của thư ký John Ellery ở Roxburgh Park, theo báo The Age.

Cùng ngày cảnh sát cũng khám xét tổng hành dinh ở Melbourne của công ty in tiền polymer cho RBA.

Một phát ngôn nhân của cảnh sát cho biết chưa đưa ra truy tố nào và họ cũng chưa thẩm vấn những người liên quan.

Tin cho hay ban quản trị Securency đã có cuộc họp khẩn do phụ tá thống đốc RBA Bob Rankin chủ trì, và quyết định đình chỉ công tác hai ông Curtis và Ellery trong khi cảnh sát tiếp tục cuộc điều tra.

Ban quản trị cũng ra lệnh Securency ngay lập tức đình chỉ mọi hoạt động tiếp thị ở nước ngoài có dính đến môi giới người nước ngoài, đồng thời yêu cầu công ty kiểm toán KPMG xem xét lại từng trường hợp các thỏa thuận với môi giới trước đây.

Văn phòng điều tra gian lận nghiêm trọng của Anh (SFO) cũng đã nhảy vào cuộc điều tra, theo báo The Age xuất bản tại Melbourne.

Hai giám đốc tiếp thị cao cấp của Securency thực hiện phần lớn công việc của họ từ Anh quốc.

'Tố giác'

Securency, do RBA làm chủ phân nửa và trông coi, sản xuất loại giấy polymer và in tiền cho Australia cùng 28 quốc gia khác trên thế giới.

Cảnh sát Liên bang Úc mở cuộc điều tra từ hồi tháng Năm trước các cáo giác Securency đã hối lộ các quan chức nhà nước tại những nơi mà công ty có hợp đồng in tiền như Việt Nam, Malaysia và Nigeria.

Quan điểm của tôi là nếu rõ ràng tội phạm thì phải làm và làm theo trình tự của pháp luật tố tụng Việt Nam, mình không thể dựa vào tài liệu của nước ngoài để xử công dân của mình được.

Ông Trần Quốc Vượng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Năm 2007 một nhân viên của Securency đã tố giác công ty trả nhiều triệu đô-la cho những người trung gian có quan hệ tốt trong chính phủ hoặc các môi giới để giúp thắng các hợp đồng.

Trong một thông cáo đưa ra tối 20/11, Ban quản trị Securency xác nhận công ty đã điều tra tố giác nhưng không đưa ra hành động gì, và việc ban giám đốc không báo cáo chuyện này lên cho RBA là không chấp nhận được.

Luật của Úc cấm hối lộ quan chức chính phủ nước ngoài để có lợi thế trong kinh doanh. Nếu xử có tội hình phạt là tối đa 10 năm tù và tiền phạt hành chính rất nặng.

'Bằng chứng'

Báo The Age nêu đích danh ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, mà theo tờ báo, đã nhận hơn 5 triệu đôla Úc từ Securency.

Tổng số tiền lại quả cho ông Ngọc Anh và công ty của ông, theo báo này, là hơn 12 triệu đôla Úc và một phần trong đó gửi vào tài khoản ở Thụy Sĩ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam nói thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là "tin tố giác" chứ không thể dùng làm bằng chứng.

Ông Trần Quốc Vượng đã có tiếp xúc với báo giới trong nước bên lề cuộc họp Quốc hội hôm 3/11 ở Hà Nội.

Ông Vượng được trích dẫn cho biết ông cũng chỉ mới đọc được các thông tin về vụ này trên báo chí và "được biết phía Úc chưa có hoạt động về điều tra".

Ông Vượng nói thông tin đó "chỉ để tham khảo, chưa làm gì được".

Ông viện trưởng khẳng định nếu phía Úc yêu cầu thì Việt Nam sẽ tham gia, nhưng "phải làm đúng, xử đúng, phải xem xét đủ căn cứ kết luận tội theo pháp luật Việt Nam".

"Quan điểm của tôi là nếu rõ ràng tội phạm thì phải làm và làm theo trình tự của pháp luật tố tụng Việt Nam, mình không thể dựa vào tài liệu của nước ngoài để xử công dân của mình được."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091121_australianrbaraided.shtml

Việt Nam gia tăng kiểm soát Internet

Thanh Phương

Bài đăng ngày 21/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  21/11/2009 13:36 TU

Phải chăng chính quyền Hà Nội đã ra lệnh chặn luôn cả việc truy cập vào Facebook ? Những năm gần đây, Việt Nam đã liên tiếp đưa ra các quy định, luật lệ để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mạng Internet, nơi duy nhất ở Việt Nam người dân còn có thể tự do phát biểu.

Hiện nay, số người sử dụng Internet ở Việt Nam được thẩm định là 22 triệu người, trên tổng số khoảng 86 triệu dân. Bên cạnh những tờ báo điện tử, con số các trang blog đang tăng với tốc độ chóng mặt, bởi vì hầu như ai cũng có thể tạo cho mình một trang blog. Số người truy cập vào các mạng xã hội trực tuyến cũng ngày càng nhiều.

Riêng Facebook hiện có hơn 1 triệu người sử dụng ở Việt Nam, phần lớn là giới trẻ và con số đã tăng nhanh chóng kể từ khi mạng xã hội này thêm vào phiên bản tiếng Việt. Đa số sử dụng Facebook để liên lạc với bạn bè, gia đình, mở rộng quan hệ, trao đổi với nhau hình ảnh, điạ chỉ trang web và trang blog.

Nhưng theo hãng tin AFP, những người sử dụng Internet ở Việt Nam than phiền là từ nhiều tuần qua ngày càng khó truy cập vào Facebook.

Theo nguồn tin từ các công ty dịch vụ Internet được hãng tin AFP trích dẫn hôm thứ năm vừa qua (19/11), chính quyền Hà Nội gần đây đã ra lệnh chặn luôn cả việc truy cập vào Facebook.

FPT, công ty Nhà nước cung cấp dịch vụ Internet, hôm qua (20/11) đã bác bỏ tin nói trên, khẳng định là họ đang làm việc với các công ty ngoại quốc để giải quyết sự cố kỹ thuật đang ngăn chận việc truy cập vào các máy chủ của Facebook đặt ở Mỹ.

Facebook có thật sự là đã bị chặn hay không, điều đó còn chờ xem. Nhưng rõ ràng là trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã liên tiếp đưa ra các quy định, luật lệ để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mạng Internet, nơi duy nhất ở Việt Nam mà người dân còn có thể tự do phát biểu.

Tháng 8/2008, chính phủ ban hành Nghị định 97 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Đến tháng 3/2009, Chính phủ ban hành tiếp Nghị định 28 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

Với quy định mới, các trang blog chỉ được đăng những chuyện cá nhân, chứ không được bàn chuyện chính trị. Nhiều blogger đã bị bắt, thậm chí bị kết án tù chỉ vì dám đụng đến những chủ đề chính trị nhạy cảm, như quan hệ với Trung Quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông nay chuẩn bị đưa ra vào tháng 12 tới một thông tư hướng dẫn hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến để cụ thể hóa Nghị định số 97. 

Như vậy là mạng xã Facebook chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đưa vào khuôn khổ quản lý của Nhà nước, bởi vì theo bản dự thảo thông tư, các mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp đều phải có giấy phép mới được hoạt động.

Hơn nữa, theo dự thảo thông tư, trang thông tin điện tử của các tổ chức và doanh nghiệp không được trích dẫn lại các thông tin báo chí. Nếu đăng lại thông tin của báo chí thì sẽ bị xem là trang thông tin điện tử tổng hợp và như vậy phải xin phép.

Ngoài ra, các trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được trích dẫn lại nguyên văn từ các cơ quan báo chí và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan báo chí đó. Nói chung, thông tư này quy định rất nhiều điều bó buộc quá đáng và như vậy là hàng ngàn trang web ở Việt Nam sẽ phải xin phép Bộ Thông tin.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội Việt Nam ngày thứ ba vừa qua (17/11) Bộ trưởng thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nói chính quyền phải tăng cường kiểm soát mạng Internet bởi vì theo ông, Internet đang bị một số người lợi dụng để phát tán những thông tin '' độc hại và có dụng ý xấu'', cũng như để tập hợp những '' thế lực thù địch '' với Nhà nước.

Phải chăng Facebook rồi cũng sẽ bị xem là nơi ''phát tán thông tin độc hại '' '' tập hợp các thế lực thù địch'' ?


http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5766.asp

Securency cách chức hai lãnh đạo vì vụ hối lộ cho doanh nghiệp Việt Nam

Thanh Phương

Bài đăng ngày 21/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  21/11/2009 15:10 TU

Tiền giấy polymer(Ảnh : Reuters)

Tiền giấy polymer
(Ảnh : Reuters)

Giám đốc điều hành và thư ký công ty của Securency đã bị đình chỉ công tác. Cảnh sát Úc đang điều tra sau khi hai nhân vật này bị tố giác đã hối lộ cho các quan chức chính phủ nước ngoài để giành các hợp đồng. Trong số đó có Việt Nam.

Nguồn tin từ Sydney ngày 21/11 cho biết giám đốc điều hành và thư ký công ty của Securency đã bị đình chỉ công tác.

Theo lời ông Bob Rankin, chủ tịch Hội đồng quản trị, hai quan chức nói trên đang bị cảnh sát điều tra vì bị tố giác đã hối lộ cho các quan chức chính phủ nước ngoài để giành các hợp đồng, một điều mà luật pháp Úc nghiêm cấm.

Ông Rankin cũng cho biết là cảnh sát đã khám xét các văn phòng của Securency và Hội đồng quản trị công ty đã nhờ một công ty kiểm toán  tiến hành một cuộc kiểm toán độc lập.

Securency là một công ty chuyên in tiền giấy polymer, mà 50% cổ phần là do Ngân hàng trung ương Úc nắm giữ. Theo nhật báo The Age, các quan chức của Securency đã hối lộ để giành một hợp đồng in tiền giấy polymer ở Việt Nam.

Cụ thể, họ đã hối lộ hơn 12 triệu đôla Úc cho cá nhân ông Lương Ngọc Ánh, Tổng giám đốc Công ty CFTD cũng như cho công ty này.

Nhưng ngày 3/11 vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vẫn cho rằng thông tin của báo chí Úc chỉ là tin '' tố giác'', chứ chưa thể được coi là bằng chứng, là căn cứ để khởi tố ông Lương Ngọc Ánh. 

Tháng 10 vừa qua, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong mục '' Thi đua yêu nước '' thậm chí còn đăng một bài ca ngợi ông Lương Ngọc Ánh là một '' doanh nhân danh tiếng trong lĩnh vực phát triển công nghệ''. Bài báo này sau đó đã bị gỡ xuống.

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5767.asp

Cảnh sát Úc khám nhà giám đốc điều hành Securency

Cập nhật lúc 15:34, Thứ Bảy, 21/11/2009 (GMT+7)
,

Cảnh sát liên bang Australia đã tiến hành đợt khám xét bất ngờ tại nhà các giám đốc điều hành của một công ty thuộc Ngân hàng trung ương Australia RBA trong quá trình điều tra chống hối lộ ở nước ngoài.

Giám đốc điều hành của Note Printing Australia (trái) và Myles Curtis, giám đốc điều hành của Securency (Ảnh: RBA)
Giám đốc điều hành của Note Printing Australia (trái) và Myles Curtis, giám đốc điều hành của Securency (Ảnh: RBA)
Lệnh khám nhà được đưa ra hôm thứ 5, đối với các ngôi nhà Mont Albert North của giám đốc điều hành Securency, Myles Curtis, và nhà Roxburgh Park của thư ký công ty John Ellery. Cùng ngày, các nhân viên cảnh sát liên bang Australia còn tiến hành khám xét trụ sở ở Melbourne của công ty in tiền polyme thuộc RBA.

Cuộc họp khẩn cấp của ban giám đốc Securency, do trợ lý thống đốc RBA Bob Rankin làm chủ tọa tối qua đã quyết định tạm cho ông Curtis và Ellery rời khỏi vị trí đang trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra.

Ban giám đốc cũng ra lệnh cho Securency lập tức ngừng tất cả các hoạt động makerting ở nước ngoài liên quan đên các đại diện ở nước ngoài và mời công ty kiểm toán độc lập KPMG tiến hành xem xét lại từng thỏa thuận của công ty với những người đại diện.

Tờ The Age cũng tiết lộ rằng Văn phòng chống gian lận Anh (Serious Fraud Office) cũng tham cuộc điều tra. Hai trong số những giám đốc bán hàng hàng đầu của Securency chủ yếu tiến hành các thương vụ của mình ở Anh.

Securency, công ty do RBA sở hữu và quản lý một nửa cổ phần, chuyên cung ứng nguyên liệu polymer dùng để in tiền ở Australia và 28 quốc gia khác.

Cảnh sát liên bang Australia đã điều tra công ty này từ tháng 5 vì những cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Cuộc điều tra tập trung vào một loạt các khoản chi nhiều triệu đôla của Securency cho những người trung gian và môi giới có mối quan hệ về chính trị để giúp công ty này thắng thầu.

Trong một tuyên bố tối qua, ban giám đốc Securency tiết lộ rằng các kiểm toán KPMG đã phát hiện những bất thường về các khoản chi trả của công ty cho những người trung gian do một nhân viên năm thực hiện 2007.

Tuyên bố này nói rằng ban điều hành Securency đã điều tra khẳng định trên, nhưng không tiến hành hành thêm hành động nào khác.

Ban điều hành của Securency không trình khiếu nại này lên ban giám đốc Securency hay RBA. Tuyên bố nói: "Quan điểm của ban giám đốc Securency vẫn là, việc không báo cáo của ban điều hành là không thể chấp nhận được".

Theo luật hình sự Australia, việc trả tiền cho các quan chức chính phủ nước ngoài để có được lợi thế trong kinh doanh là vi phạm bộ luật này. Những kẻ bị kết án vi phạm luật chống hối lộ ở nước ngoài sẽ phải lãnh án tới 10 năm tù và phải chịu hình phạt tài chính rất nghiêm khắc.

Nếu cảnh sát buộc tội Securency và các giám đốc điều hành thì đây sẽ là lần khởi tố đầu tiên của Australia đối với các vụ đưa hối lộ ở nước ngoài.

RBA đã mời cảnh sát liên bang tới sau khi tờ The Age trong tháng 5 đã tiết lộ khoản chi trả hoa hồng của Securency cho các trung gian. Nhiều trong số những người này từng dính líu tới các vụ scăng-đan trước đó và một người là tội phạm công chức đã bị kết án.

Trong một lần vi phạm chính sách của RBA, Securency đã trả hàng triệu USD vào các tài khoản ngân hàng có ưu đãi thuế, liên quan tới trung gian nước ngoài.

Năm 2007, RBA đã ra lệnh cho công ty cùng tập đoàn là Note Printing Australia sa thải một mạng lưới các đại diện ở nước ngoài sau khi một kiểm toán khẳng định có lo ngại về tính thống nhất.

RBA đêm qua đã ra tuyên bố tán thành hành động của ban giám đốc Securency.

Đình Ngân (Theo The Age)

http://vietnamnet.vn/thegioi/200911/Canh-sat-Australia-kham-nha-giam-doc-dieu-hanh-Securency-880063/

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Huy Đức - Bức tường Berlin

Huy Đức

Tuần trước, một người Đông Đức, bà Angela Merkel, vừa lên tiếng trên cương vị Thủ tướng nước Đức thống nhất cám ơn Hungary cách đây 20 năm, tháng 8-1989, đã mở cửa biên giới của mình, để cho hơn 60 nghìn người Đông Đức thoát ra, dẫn tới sự kiện bức tường Berlin sụp đổ.

Tháng 6-2004, Hoàng- một đồng đội cũ của tôi ở trường sĩ quan, cựu đại úy quân đội nhân dân Việt Nam, con trai một vị tư lệnh chiến trường nổi tiếng thời đánh Mỹ và đánh Pol Pot- lái xe chở tôi chạy từ Đông sang Tây và cuối cùng đến trước bức tường Berlin. Hoàng nằm trong số những người Việt Nam đầu tiên leo qua phía Tây, thay vì đủ kiên nhẫn để đập đổ cái mà Hoàng, cho đến ngày nay, vẫn coi là "bức tường ô nhục".

Berlin cũng như nước Đức, sau Thế chiến thứ II, bị "xẻ làm tư" theo thỏa ước Potsdam. Cho dù Liên Xô phản đối, các nước Anh, Pháp, Mỹ sau đó vẫn trả lại quyền tự chủ cho người Đức trên phần lãnh thổ mà mình tiếp quản. "Kế hoạch Marshall" đã giúp Tây Đức phát triển rất nhanh dựa trên nền tảng tự do.

Năm 1948, Stalin ra lệnh phong tỏa, không cho vận chuyển lương thực thực phẩm từ Đông sang Tây. Nhưng vẫn không có người Tây Đức nào đi theo Stalin. Trong khi, trong suốt thập niên 50 đã có hơn 3,5 triệu người Đông Đức bỏ chạy sang Tây Đức. Ngày 1-8-1961, Tổng Bí thư Liên Xô, Krushchev, điện đàm với Ulbricht, Bí thư thứ nhất Đông Đức "đề nghị xây tường". Ngày 12-8 năm đó, Ulbricht ký lệnh đóng cửa biên giới và "bức tường ô nhục" đã được người Đức cùng với "Hồng Quân Liên xô" nửa đêm "dựng lên lén lút".

Bảo tàng Bức tường Berlin là một trong những bảo tàng vô cùng ấn tượng. Có thể tìm thấy ở đây những sự kiện bi thảm; nhưng, cũng có thể tìm thấy ở đây những câu chuyện hết sức li kỳ. Chỉ có với khát khao tự do con người mới có thể bất chấp sự hiểm nguy mà vượt thoát mãnh liệt đến vậy. Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, Bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân "vượt biên" mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do.

Chỉ cần đến Bảo tàng Bức tường Berlin là có thể hiểu vì sao cả Đông Âu, tràn ngập xe tăng Liên Xô, thế mà vẫn đổ; có thể hiểu vì sao Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu lấy ngày "23 tháng Tám là ngày tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin và Phát xít". Ngày 23-8-1939, Stalin đã bắt tay với Hitler, ký Hiệp ước phân chia Châu Âu. Chỉ một tuần sau, ngày 1-9-1939, Hitler đánh chiếm một phần Ba Lan; ngày 17-9-1939, Liên Xô xâm lược phần còn lại. Người của Stalin, ngay sau đó đã giết hại hàng trăm nghìn người Ba Lan và đưa hơn một triệu người Ba Lan khác lưu đày viễn xứ.

Nếu như, chủ nghĩa Hitler chỉ kịp gây tội ác trong những năm tháng chiến tranh thì chủ nghĩa Stalin lại tiếp tục hủy hoại con người ngay cả khi không còn tiếng súng. Sự hy sinh của hơn 20 triệu người Liên Xô, sự anh dũng của các tướng lĩnh, của Hồng quân là vô cùng vĩ đại. Nhưng, sự hy sinh ấy của nhân dân đã bị những người như Stalin tước đoạt. Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là "giải phóng quân" đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản.

Tại Đông Đức, sau 8 năm chiếm đóng, chính quyền do người Nga lập nên liên tục có những hoạt động thanh trừng nội bộ; khủng bố những người bất đồng; kiểm soát thanh niên; trong khi, thực phẩm thì khan hiếm và đắt đỏ. Sau khi Stalin chết, hơn 1 triệu người dân Đông Đức đã xuống đường biểu tình. Chính phủ Đông Đức rút chạy vào tổng hành dinh của Hồng quân Liên Xô. Chính họ đã cầu cứu và "ngoại bang" đã dùng xe tăng thẳng tay đàn áp cuộc chống đối đâu tiên của nhân dân ấy.

Tại Hungary, sau năm 1945, cuộc bầu cử dân chủ chỉ đem lại cho đảng cộng sản Hungary 17%. Nhưng ngay sau đó, "toàn quyền Liên xô", tướng Kliment Voroshilov đã buộc một thành viên không đảng phái trao ghế Bộ trưởng Nội vụ cho László Rajk, người của đảng cộng sản Hungary. László Rajk đã lập ra cơ quan an ninh quốc gia sử dụng cách mà Hitler đã làm trong thập niên 30: vu cáo, bắt bớ, tra tấn… tiêu diệt dần đối lập. Ngày 23-10-1956, người Hungary đứng dậy hô to "không cam chịu làm nô lệ nữa". Nhưng, ngày 4-11-1956, xe tăng Liên Xô nghiến nát cuộc chính biến sau khi máy bay ném bom xuống Thủ đô Budapest: 2.500 người Hung bị giết; 200 nghìn người khác phải trốn khỏi quê hương.

Sự ngột ngạt về chính trị và bế tắc về kinh tế trở thành tình trạng phổ biến ở Đông Âu. Năm 1967, sau khi trở thành Bí thư thứ Nhất Tiệp Khắc, Alexander Dubcek tiến hành cải cách. Dubcek cho phát triển kinh tế tự chủ hơn; các tù nhân chính trị được tha và báo chí bắt đầu có tiếng nói. Không chủ trương đa đảng, Dubcek chỉ có ý định xây dựng "chủ nghĩa xã hội nhân bản hơn". Tuy nhiên, những nỗ lực của Dubcek càng mang lại sự thịnh vượng cho nhân dân thì lại càng gây lo lắng cho Liên Xô. Cho dù không có "nổi dậy", đêm 20-8-1968, xe tăng Liên Xô vẫn tiến vào Praha theo sau bởi hơn 165 nghìn quân của khối Warsava.

Tại bảo tàng Bức tường Berlin, có một đoạn video gần như được liên tục phát, đó là trích đoạn phát biểu ngày 12-6-1987 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan: "Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này". Thật khó để xác định ai là người đóng vai trò chính để kết thúc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, có thể bức tường Berlin đã không sụp đổ nếu như tháng 3-1989, Thủ tướng Hungary, Miklos Nemeth, khi có ý định "tháo gỡ hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới" không nhận được tín hiệu từ ông Gorbachev: "Vấn đề an ninh biên giới là việc của ông Nemeth".

Không có một dân tộc nào không nuôi khát vọng tự do ngay cả dưới họng súng của xe tăng và đại bác. Câu trả lời của ông Gorbachev đơn giản chỉ là trả cho người Hungary quyền tự quyết. Cái quyền mà người dân Đông Âu lẽ ra phải được hưởng kể từ 1945.

Cũng trong tháng 6-2004, tôi có đi qua một vài nghĩa trang quân Đồng Minh chết sau sự kiện Normandy. Những tấm bia ở đây nói rõ là nghĩa trang được lập bởi dân chúng địa phương góp đất và tiền để tưởng nhớ những người lính Anh, Mỹ, New Zeland, Australia… Những "nghĩa trang dân lập" ấy vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay với hoa tươi quanh năm. Trong khi, năm 2007, Tổng thống Nga Putin bị các quốc gia lân bang đặt trước tình huống phải ký sắc lệnh lập 7 văn phòng đại diện tại Ba Lan, Hungary và các nước vùng Baltic để bảo vệ mộ của Hồng quân. Thật không phải khi đụng đến nơi tưởng niệm những người đã hy sinh. Nhưng, cái cách mà Putin cư xử với lân bang đã khiến họ nhớ lại thời Liên Xô và nhận thấy những tượng đài Hồng quân "không còn là một biểu tượng chống phát xít mà là biểu tượng của sự chiếm đóng".

Bên cạnh những bao cát của Checkpoint Charlie, chốt gác giữa Đông và Tây Berlin, cũng luôn có hoa tươi. Có lẽ ngay chính người Mỹ, sau những chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, cũng thèm khát hình ảnh của chính mình trên bờ biển Normandy hay ở cái Checkpoint Charlie ấy. Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới "các giá trị thiêng liêng" khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là "giải phóng" nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do.

Huy Đức

http://danluan.org/node/2390

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Bộ trưởng công an: 'Cáo buộc của Nhật về vụ PCI là có cơ sở'

Bộ trưởng Lê Hồng Ành. Ảnh: C.T.

"Qua xem xét, chúng tôi thấy cáo buộc của phía Nhật Bản có cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp để làm căn cứ thì đây mới lần đầu tiên", Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an trao đổi với báo chí chiều 4/11.

- Thời gian qua, một số vụ án tham nhũng lớn đã được khởi tố, nhưng quá trình điều tra, xét xử lâu kéo dài, ví dụ như mảng tham nhũng vụ PMU18. Bộ trưởng giải thích thế nào về vấn đề trên?

- Việc tìm chứng cứ tham nhũng phải qua bút lục, chứng từ, văn bản hoặc có người biết việc đó. Nhưng thực tế một số tổ chức, cá nhân ở đơn vị có người tham nhũng không quyết liệt, thậm chí nể nang. Có trường hợp họ nói không biết, không cung cấp chứng cứ.

Theo cơ quan điều tra báo cáo tôi thì chưa có vụ nào chi bộ đảng tự phát hiện cán bộ tham nhũng và chứng cứ phạm tội. Cho nên vấn đề này còn liên quan đến ý thức trách nhiệm phòng chống tham nhũng của mỗi cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trong số 17 vụ án lớn liên quan đến tham nhũng đến nay về cơ bản đã hoàn tất điều tra, một số vụ đã được xét xử. Vụ PMU 18 giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành hồ sơ, đang chuyển cho VKS để hoàn chỉnh, rồi chuyển cho toà án.

- Dư luận rất quan tâm đến nghi án hối lộ của công ty PCI với ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Sau khi hoàn tất phần dịch tài liệu do phía Nhật cung cấp, cơ quan điều tra có nhận định gì thưa Bộ trưởng?

- Qua thông tin ban đầu của Nhật Bản, chúng tôi đã điều tra, phát hiện sai phạm của ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong việc cho thuê trụ sở và đã khởi tố điều tra, xét xử. Còn nghi án ông Sĩ nhận hối lộ, sau khi phía Nhật cung cấp toàn bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang, đến nay việc dịch thuật đã hoàn tất.

Qua xem xét, chúng tôi thấy cáo buộc của phía Nhật Bản có cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ điều tra nước ngoài cung cấp để làm căn cứ thì đây mới lần đầu tiên. Do đó phải xem xét luật pháp của Việt Nam, nếu không khi ra tòa luật sư cãi luật pháp Việt Nam không quy định vấn đề trên.

-Bộ trưởng vừa nói sau khi dịch tài liệu thì thấy tố cáo ông Sĩ nhận tiền của PCI là có cơ sở. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?

- Ông Sĩ có thể là có vi phạm nhưng đây là hồ sơ của nước ngoài, để xử lý dữ liệu như thế nào thì còn phải nghiên cứu. Tài liệu của Nhật Bản cung cấp đầy đủ nhưng vụ án đang quá trình điều tra nên tôi chưa thể nói cụ thể.

Chúng tôi cũng đã bàn bạc với Viện kiểm sát, Toà án và thấy rằng nên trao đổi thêm với Bộ Tư pháp. Hiện nay, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định về việc sử dụng hồ sơ nước ngoài. Ông Sỹ đang chịu án tù, nên không cần làm quá gấp. Mình làm chặt chẽ, các thủ tục phải cân nhắc, tính toán.

- Vừa qua một tờ báo Australia đã đăng tải thông tin về nghi án đưa hàng triệu USD cho một công dân Việt Nam để nhận hợp đồng in tiền polyme? Thông tin này đã được Bộ Công an xử lý thế nào?

- Bộ Công an có ký kết hiệp định với nhiều nước về lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Những thông tin từ nước ngoài liên quan đến người Việt Nam tham nhũng cũng đều phải quan tâm. Thông tin về vụ polymer trên báo chí Australia, tôi cũng đã giao cơ quan điều tra liên hệ, nắm tình hình.

Cũng giống như trường hợp ông Sĩ, khi có thông tin mình phải đặt vấn đề phía bạn cung cấp và sau đó mình tiến hành điều tra ra sao.

- Kết quả liên hệ của công an Việt Nam với cơ quan chức năng Australia ra sao?

- Vụ việc này được đưa trên tờ báo của nước này. Có phải cơ quan chức năng Australia đưa thông tin này đâu mà chúng ta gửi văn bản đề nghị cung cấp tài liệu .Do đó, chúng tôi cử lực lượng tham gia trực tiếp với các cơ quan chức năng Australia để nắm tình hình.

Việt Anh ghi

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/11/3BA154F6/

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Global watchdog wants bank to 'come clean'

RICHARD BAKER AND NICK MCKENZIE
June 13, 2009

GLOBAL corruption watchdog Transparency International wants the Reserve Bank of Australia to "come clean" about large payments made by its subsidiaries to foreign middlemen.

Transparency International Australia chief executive Michael Ahrens has questioned the RBA over what precautions it took "to guard against any irregular offshore dealings through agents engaged to do business with foreign governments" by its subsidiaries, Securency Pty Ltd and Note Printing Australia.

Both based in Melbourne, Securency makes and exports the polymer material used in plastic banknotes while NPA prints polymer currency in Australia, New Zealand and several other Asian nations.

The RBA has asked the Australian Federal Police to examine Securency's use of agents in Africa and Asia after The Age revealed several had been implicated in official corruption inquiries and at least one had been convicted for reckless trading.

Securency has made multimillion-dollar commission payments to its agents, including some to offshore tax haven accounts.

Mr Ahrens' comments came as RBA assistant governor Robert Rankin flew to London this week where he discussed the controversy with executives from the British private equity firm Candover Investments, which co-owns Securency.

An RBA spokeswoman last night said the purpose of Dr Rankin's visit to London was to chair a "long-scheduled regular meeting of Securency's board".

Mr Ahrens said that although it was important for federal police to examine any breaches of Australian law, the RBA also had to independently investigate whether its own code of practice had been breached by Securency and NPA regarding their use of agents.

"Normal risk and compliance practices … would require that an independent professional firm skilled in forensic investigation be engaged forthwith to make a separate report to the board," he said.

Mr Ahrens said the RBA also had to explain "the apparent lack of stringent audit" of Securency's middlemen after NPA sacked its agents in 2007 following an RBA audit that raised probity concerns.

He said Candover Investments had to fully co-operate with any federal police inquiry and independent investigation ordered by the bank.

Transparency International is the world's foremost non-government organisation in tackling corruption. Its annual corruption perception index is relied on by many governments to rank trading partners. Securency and NPA have won contracts in several countries that Transparency International ranks among the world's most corrupt, including Nigeria and Vietnam.

Securency and NPA have also had business dealings in countries that have been the subject of United Nations sanctions because of concerns about their weapons programs and human rights records. Last year, Securency sent an executive to Sudan to discuss a possible deal, despite the country being blacklisted by the US Government as a supporter of terrorism.

And NPA's secret 1998 talks with senior members of Saddam Hussein's regime at the height of international sanctions against Iraq were exposed by The Age last weekend.

Prime Minister Kevin Rudd, Treasurer Wayne Swan and former treasurer Peter Costello have all this week refused to answer questions about the RBA's secret Iraqi dealings and whether they were appropriate.

http://www.theage.com.au/national/global-watchdog-wants-bank-to-come-clean-20090612-c67i.html

AFP to launch full probe into banknote firm

NICK MCKENZIE AND RICHARD BAKER
June 22, 2009

The Australian Federal Police is launching a full-scale investigation into whether a Reserve Bank of Australia subsidiary engaged in improper business dealings overseas to win banknote printing contracts.

The move by the AFP's economic and special operations division to begin an extensive inquiry comes after a three-week preliminary probe by a small team of federal agents.

Last month, the Reserve Bank asked the AFP to assess claims in The Age that Securency ? a banknote company half-owned by the Reserve Bank ? had paid lucrative commissions to shady, well-connected overseas business people who helped the company win contracts.

Some of these people have previously been implicated in official corruption inquiries in Africa and Asia and some commission payments have been paid into tax haven accounts.

Senior AFP officials in Canberra have signed off on a recommendation to launch a major inquiry with additional agents and resources after agents in Melbourne finish assessing financial intelligence and conducting preliminary inquiries.

The AFP confirmed to The Age the Securency case had progressed to being an active investigation but declined to comment further.

The full-scale investigation will add to the growing pressure on the Reserve Bank to explain if it knew of, and approved, the activities of Securency, which makes polymer banknotes used in Australia, Nigeria, Vietnam and 23 other countries.

The Age's investigation into Securency has revealed that company insiders were concerned the payment of commissions to overseas agents with questionable backgrounds increased the company's exposure to allegations of corrupt practices, such as kickbacks to foreign officials. Securency has paid more than $10 million in commissions to its agent in Vietnam, CFTD.

CFTD briefly employed the son of Vietnam's central bank governor, who made the decision to use Securency's plastic notes.

Along with millions of dollars in commissions ? including some paid to accounts in the Seychelles, Switzerland and the Bahamas ? Securency officials have travelled to Sudan to discuss potential business dealings. The US has banned financial dealings with Sudan because of its links to terrorism and human rights abuses.

The AFP investigation is likely to include scrutiny of Securency's sister company, Note Printing Australia, which is owned by the RBA.

In contrast to Securency, Note Printing Australia stopped making commission payments to its foreign agents in 2007 due to integrity concerns.

Securency and Note Printing Australia are both chaired by Reserve Bank assistant governor Robert Rankin. The Reserve Bank has a role in auditing the companies.

The Reserve Bank has refused to answer questions about Securency's conduct. The Federal Government has referred questions about Securency back to the Reserve Bank.

The AFP is likely to spend many months investigating the case and use its relationship with overseas police forces and Australian agencies, including AUSTRAC, the nation's financial system watchdog.

http://www.theage.com.au/national/afp-to-launch-full-probe-into-banknote-firm-20090621-csls.html

RBA offshoot's $10m for 'translation service' ($10m trả cho công ty con ông Thúy để dịch thuật)

RICHARD BAKER AND NICK MCKENZIE
May 26, 2009

EXECUTIVES of a Reserve Bank of Australia subsidiary at the centre of a global contracts scandal claimed a Vietnamese agent paid at least $10 million in commissions had "primarily" worked as a translator.

Melbourne-based Securency Pty Ltd won a major contract in 2002 to supply polymer banknotes to Vietnam after hiring a company that employed the son of the governor of the State Bank of Vietnam as its local agent.

Company insiders have revealed that Securency paid large commissions, including some to a Swiss bank account, to the Hanoi-based Company For Technology and Development, or CFTD.

Securency is half-owned by the RBA and supplies polymer material to make banknotes in Australia and 26 other countries.

A 2007 Vietnamese Government corruption inquiry into the Securency deal found it to be "irregular", lacking in transparency and harmful to the reputation of the bank governor, Le Duc Thuy.

In a 2007 interview obtained by The Age, Securency executives said the services provided by CFTD primarily involved translating documents, organising meetings and picking up people from the airport. They said they had no dealings with the central bank governor's son, Le Duc Minh.

The tape recording reveals claims by Securency that Australian embassies had recommended their overseas agents.

Securency is under investigation by the Australian Federal Police over commissions paid to agents to help win contracts from foreign governments.

The Age reported at the weekend that several Securency agents have been previously implicated in corruption inquiries. Securency has also paid agent commissions into offshore tax haven accounts.

Company insiders allege the large commissions paid to agents in corruption-prone countries exposed Securency to allegations money may have been used to pay kickbacks.

During the 2007 interview with a foreign journalist, Securency's managing director, Myles Curtis, refused to confirm whether commissions had been paid to CFTD.

"A lot of the (CFTD's) roles in the early stages were to do with interpreting and translating … so that is the primary role they play. So it is the liaison between the state bank," he said.

Securency's Asia manager, Ron Marchant, said: "They do other things too. If we would like to have a meeting in the state bank or a meeting in the printing works, we just ask them to go and make the appointments for us, arrange hotel accommodation, collect people from airport, things like that that you generally expect an agent to do."

Mr Marchant claimed Australian diplomatic assistance. "All of our agents we appoint we go through the Australian embassy. We get a list of people who they believe we we can work with in reputable organisations and then we would go through the process of investigating or evaluating them and we make a decisions, and in this case, it was CFTD that we decided to run based on … the recommendation from the Australian embassy and … our own evaluation."

Mr Marchant said he had no dealings with the governor's son and was not familiar with the CFTD subsidiary, Banktech, which the son directed.

But Banktech documents show Securency as one of its "overseas partners" and indicate Banktech was the "exclusive supplier" for Vietnam's polymer banknote project.

The Department of Foreign Affairs and Trade said last night it had assisted Securency's overseas operations and lobbied governments for the company.

Foreign Minister Stephen Smith confirmed that he personally lobbied India, Brazil and Mexico on behalf of Securency due to its strong RBA links.

"On at least one occasion I have made representations on their behalf to have countries contemplate using their expertise in terms of the development of currency," he said.

Mr Smith said he would be happy to detail the representations he had made.

He said the AFP investigation was appropriate following allegations about the company. "That's a matter for the Federal Police and we should await the outcome of their investigation."

The RBA and Treasurer Wayne Swan yesterday declined to answer questions about Securency's use of agents because of the investigation.

With Brendan Nicholson

http://www.theage.com.au/national/rba-offshoots-10m-for-translation-service-20090525-bkt7.html

RBA gets 'please explain' (Nigeria kêo gọi RBA đưa ra lời giải thích về các khoản hối lộ)

NICK MCKENZIE AND RICHARD BAKER
October 14, 2009

THE head of Nigeria's central bank has called on the Reserve Bank of Australia to explain why its bank-note firm's dealings in Africa involved multimillion-dollar payments to offshore tax havens.

Central Bank of Nigeria governor Sanusi Lamido Sanusi described as ''disturbing'' the revelation that more than $10 million in commissions were wired to accounts - including some in secretive tax havens - by the RBA's bank-note firm Securency.

Securency, which is overseen by the RBA and chaired by assistant Reserve Bank governor Bob Rankin, sent the payments to middlemen it hired to win banknote deals in Nigeria and elsewhere in Africa.

The request for an explanation from one central bank to another in connection to a corruption scandal is unprecedented in international banking and comes amid the Australian Federal Police's inquiry into allegations Securency may have engaged in foreign bribery.

Asked whether the RBA should shed some light on why its subsidiary sent large commissions to tax havens, Mr Sanusi said: ''I think they [the Reserve Bank] should explain. I think that corruption is a two-way street: there are those who give and those who take. We must fight it from both ends.

''The best way to fight corruption is to expose it and we must get to the bottom of it. If the investigations go deeply enough and the money trail is followed, the beneficiaries will be exposed,'' Mr Sanusi said.

In his interview with The Age, Mr Sanusi also stressed the need to combat corruption in Nigeria, which has had a devastating impact on the west African nation's development.

Nigeria switched from paper currency to Securency's polymer banknotes during the five-year reign of Mr Sanusi's predecessor at the central bank, Charles Soludo.

Mr Sanusi's comments come as RBA governor Glenn Stevens and Mr Rankin continued to refuse to answer questions about the growing commission-for-contracts scandal.

Earlier this month, The Age revealed that two well-connected UK-based businessmen, Mike Harding and Benoy Berry, received tax-haven account payments from Securency. Their role apparently involved convincing central bank governors and politicians in Africa of the merits of polymer currency.

Securency's Africa manager, Peter Chapman, recently resigned from the company while its South African agent, Donald McArthur, who is a convicted white-collar criminal, was recently sacked. Securency, along with Mr Chapman and Mr McArthur - through their lawyers - have denied any wrongdoing.

Asked whether he would encourage Nigerian policing agencies to assist the AFP inquiry, Mr Sanusi said: ''It will be in the interest of this country in my view to work closely with all agencies aiming to expose and deal with corruption and our agencies will give all support.''

Mr Sanusi said the scope of local police investigations would depend on the information provided by Australian authorities.

''My sense is that this investigation will need to be triggered by some concrete information showing that Nigerian officials benefited financially from any aspect of the polymer contract,'' he said.

''If we had this, I have no doubt the President will authorise our Economic and Financial Crimes Commission to work with Australian police authorities to get to the bottom of things.''

Mr Sanusi said he was keeping a close watch on the story, which has dominated the Nigerian media since The Age revealed that large commission payments and offshore accounts were tied to Securency's Nigerian dealings.

Mr Stevens has declined to answer questions about what Securency's commission payments were for or why they were sent to secretive offshore banking accounts - which makes them difficult to trace.

A Reserve Bank spokeswoman has previously said the RBA would not comment on Securency's operations due to the ongoing AFP investigation.

http://www.theage.com.au/national/rba-gets-please-explain-20091013-gvnq.html

RBA bosses approved tactics in Nigeria deal (RBA xác nhận cách đoạt được các hợp đồng in tiền với Nigeria)

NICK MCKENZIE AND RICHARD BAKER
October 12, 2009

Senior Reserve Bank of Australia officials approved the high-risk business practices that have put its bank-note firm at the centre of an international police probe.

The Age has learnt that serving and former RBA board members were aware of a controversial commissions-for-contracts model used by its polymer bank note company Securency to strike deals in some of the world's most corrupt countries.

Under the model, Securency offers politically connected foreign middlemen commissions that far exceed the industry standard of about 7 per cent, if they are successful in convincing politicians and central banks to switch from paper to polymer currency.

The revelation of the RBA's approval of the commissions-for-contracts model comes as Nigeria's media accuse some of the country's most senior central bank and finance officials of profiting from the millions of dollars sent by Securency to secret tax haven accounts.

A top Nigerian Government figure, who requested anonymity, told The Age that local police agencies, including the Economic and Financial Crimes Commission, would assist the Australian Federal Police taskforce investigating Securency.

Central Bank of Nigeria governor Sanusi Lamido Sanusi has also reportedly promised to launch an internal investigation into the bribery allegations.

The Age can reveal that more than $10 million in commissions were sent to offshore accounts in connection to the company's dealings in Africa, where in 2006 it convinced Nigerian officials to switch the country's paper banknotes to polymer.

The RBA this week refused to explain what the payments were for or why they were sent to secretive offshore banking accounts - which makes them difficult to trace.

The RBA said the AFP investigation also made it unable to answer questions about why its representatives on the Securency board allowed the high-risk business activity of paying large commissions to agents to continue after its sister firm Note Printing Australia stopped the practice in 2007.

The police inquiry may continue for months. Accounting firm KPMG has also been engaged by the RBA to review Securency's business practices.

Several sources aware of Securency's operations, including a former RBA board member, confirmed the bank's board representatives approved the company's commission-for-contracts model.

Securency was established in 1996 and is jointly owned by the RBA and a British private equity firm. It is chaired by RBA assistant governor Bob Rankin and its board has had several serving and former RBA officials. NPA is fully owned by the RBA and also chaired by Dr Rankin.

In its recently released annual report, the RBA said its Securency board members had ''put measures in place'' to ensure ''strict and unambiguous protocols'' to govern the use of commission agents.

Despite these protocols, Securency has engaged commission agents previously implicated in corruption scandals and who received payments to tax-haven accounts in the Seychelles, United Arab Emirates, Switzerland and other overseas locations.

University of Sydney corruption expert David Chaikin said the RBA's international reputation was suffering: ''It is pretty rare, certainly for a first world country, to have a central or reserve bank accused of being involved in unethical behaviour.''

Dr Chaikin said Securency's practice of promising agents larger-than-normal commissions if they succeeded in winning a contract ''effectively promoted corrupt behaviour''.

The AFP investigation was a big opportunity for the Rudd Government and the AFP to demonstrate how Australia dealt with alleged international corruption, he said.

''The Government and the AFP have been talking the talk for a long time. Now with Nigeria signalling its willingness to investigate the allegations over there, it has opened up a huge opportunity for the AFP to get to the bottom of this.''

http://www.theage.com.au/national/rba-bosses-approved-tactics-in-nigeria-deal-20091011-gsew.html